default-logo

Cơ hội lớn cho ngành cơ khí trước thềm Hiệp định  Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là vấn đề không  cần bàn cãi nhiều, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, không phải tự nhiên một ngày nào đó chúng ta thức dậy và trở thành Honda, Toyota, Samsung... được. Cần phải làm từ những cái nhỏ nhất, căn bản nhất để có được những thương hiệu cơ khí “made in Vietnam”. 
 
Các DN cơ khí có cơ hội để phát triển mạnh hơn, trở thành ngành kinh tế nền tảng đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chế tạo của thế giới. 

         Hội nhập không đáng sợ?

         Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành khá nhiều chính sách ưu đãi ngành cơ khí nhưng các chính sách đó nhìn chung khó tiếp cận đối với các DN. Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển cơ khí Việt Nam, ngành cơ khí đã vật lộn với cơ chế thị trường để tồn tại và không ít các DN đã thích ứng được, tìm được phân khúc thị trường cho mình và phát triển khá bền vững. Vì vậy, theo ý kiến chủ quan, ông Thịnh cho rằng hội nhập không phải là một thử thách đáng sợ với đa số DN cơ khí. Với việc tham gia Hiệp định TPP, cơ hội cho ngành cơ khí càng rõ ràng hơn khi ngành cơ khí được tiếp cận nhanh hơn công nghệ của các nước phát triển thông qua các cam kết hỗ trợ thương mại, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các nước trong TPP, thị trường XK máy nông nghiệp được mở rộng, có thêm nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

         Dưới góc độ DN, ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho rằng, thời gian qua các DN cơ khí Việt Nam đã bước đầu hội nhập, một số công trình, dự án lớn đã được các DN cơ khí trong nước đảm nhiệm và thực hiện thành công. Thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các DN cơ khí sẽ có cơ hội để phát triển mạnh hơn, trở thành ngành kinh tế nền tảng, là lực đẩy đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chế tạo của thế giới. Tuy nhiên, theo ông Long, ngành cơ khí vẫn chưa thực sự phát triển vững chắc. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển song đến nay ngành sản xuất sản phẩm cơ khí, luyện kim vẫn chỉ dừng lại ở mức “gia công”. Theo ông Long, ở rất nhiều lĩnh vực, DN trong nước vẫn chưa đủ sức tự chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế. Do vậy, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập siêu nhiều tỷ USD trang thiết bị, vật tư cho các ngành công nghiệp và cho bản thân ngành chế tạo cơ khí, luyện kim. Số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2015, riêng NK máy móc thiết bị, phụ tùng, linh kiện đã đạt giá trị 27,6 tỷ USD, chiếm gần 17% kim ngạch NK của cả nước.

         “Muốn xây dựng Việt Nam có một hệ thống DN cơ khí lớn mạnh, đủ sức chế tạo linh kiện, phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia, sửa chữa các trang thiết bị phức tạp..., Nhà nước cần có một hệ thống chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Đồng thời, lựa chọn những sản phẩm cơ khí trọng điểm để tập trung hỗ trợ DN, có thể hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất”, ông Đào Phan Long nhấn mạnh.

         Phải làm đến cùng

         Ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho rằng, khi tham gia TPP, đối với các DN cơ khí, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Khi so sánh với các tập đoàn công nghiệp nước ngoài với lịch sử phát triển lâu đời thì các DN cơ khí Việt Nam vẫn rất nhỏ bé và non trẻ về tiềm lực kinh tế, năng lực kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như đội ngũ quản lý. Do đó, để phát huy nội lực của DN, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành cơ khí cũng như củng cố, phát huy kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý, máy móc thiết bị, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích để các đơn vị này có thể tiếp tục tham gia vào các dự án trong thời gian tới. Nếu thực  hiện thành công một vài dự án, các DN sẽ tích lũy đủ năng lực để cạnh tranh với các tập đoàn công nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng như vươn ra thị trường khu vực.

         Nhấn mạnh yếu tố công nghệ trong hội nhập, Ths. Lê Văn Khương, Chủ tịch Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho rằng, TPP chính là cơ hội cho các DN cơ khí Việt Nam tiếp thu công nghệ hiện đại của nước ngoài. Để tồn tại và phát triển, DN cần phải tham gia chuỗi sản xuất chung toàn cầu. Để làm được điều đó, trước hết DN có thể chấp nhận làm hàng gia công chế tạo cho nước ngoài, sau đó học hỏi, tiếp cận dần, làm chủ công nghệ và cuối cùng phải tự mình chủ động sản xuất cung cấp cho các nhà lắp ráp và kinh doanh.

         Về phía Nhà nước, ThS. Lê Văn Khương cho rằng Nhà nước cần quan tâm đến các DN trong nước bằng việc giao các dự án, gói thầu mà DN Việt Nam làm được hoặc liên danh, hợp tác với nhau để có năng lực tổng hợp. Đây là cơ hội để DN cơ khí Việt Nam gia tăng lợi nhuận và khả năng công nghệ của mình. Trong khi thực hiện các gói thầu này thì DN Việt Nam có thể thuê tư vấn nước ngoài làm trong giai đoạn đầu, sau đó tiếp nhận lại công nghệ trong các giai đoạn tiếp theo.

Đối tác